Hotline
0913.040.789Các công trình giao thông quan trọng được đầu tư xây dựng tạo nên mạng lưới giao thông kết nối thông suốt là thành tựu nổi bật trong bức tranh hạ tầng giao thông của Hải Dương những năm qua.
"Phấn đấu đến năm 2025, Hải Dương là tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại; đến năm 2030, là tỉnh công nghiệp hiện đại, tạo nền tảng để Hải Dương sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương".
Bên cạnh đó, tỉnh Hải Dương đã phối hợp với tỉnh Quảng Ninh và TP. Hải Phòng triển khai xây dựng hàng loạt công trình giao thông kết nối.
Cụ thể, kết nối với TP. Hải Phòng có cầu Quang Thanh nối huyện Thanh Hà với huyện An Lão qua sông Văn Úc; cầu Dinh qua sông Kinh Thầy nối thị xã Kinh Môn với huyện Thủy Nguyên. Việc xây dựng cầu Dinh và cầu Quang Thanh đã mang lại niềm vui và sự phấn khởi cho người dân hai địa phương. Những cây cầu chắc chắn, vững chãi bắc qua sông sẽ tạo thuận tiện cho việc đi lại và phát triển vùng kinh tế Tây Nam của TP. Hải Phòng và vùng Đông Nam của tỉnh Hải Dương.
Kết nối với tỉnh Quảng Ninh, Dự án Cầu Triều vượt sông Kinh Thầy, nối thị xã Đông Triều với đường 389 thị xã Kinh Môn đã hoàn thành đầu năm nay. Để tạo sự kết nối đồng bộ, tỉnh đã đẩy nhanh tiến độ thi công và cơ bản hoàn thành hơn 4,3 km đường dẫn phía Hải Dương. Cầu Mây và cầu Triều được đưa vào sử dụng sẽ tạo nên trục giao thông kết nối thuận lợi, mang tính đột phá, giúp phát triển nhanh cho khu vực còn khó khăn, hạn chế về giao thông ở phía Bắc thị xã Kinh Môn.
Hệ thống giao thông như trên rất thuận lợi cho việc kết nối với các cảng hàng không quốc tế, cảng biển, cảng tàu khách quốc tế cũng như kết nối giữa các vùng trong tỉnh. Đây là thế mạnh nổi trội của Hải Dương.
Hoàn thiện bản đồ hạ tầng giao thông
Ông Lê Quý Tiệp, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải tỉnh Hải Dương nhận định, với trên 12.000 km đường bộ các loại, hơn 400 km đường thủy nội địa và trên 60 km đường sắt, thời gian tới, Hải Dương sẽ phát triển hệ thống giao thông phù hợp với định hướng tổ chức không gian của tỉnh trên cơ sở phát huy tối đa lợi thế về địa lý.
Tỉnh sẽ tiếp tục rà soát quy hoạch tổng thể phát triển giao thông - vận tải giai đoạn từ năm 2011 đến nay; xem xét, đánh giá mạng lưới, tuyến đường trọng yếu; loại bỏ những tuyến đường không đáp ứng yêu cầu và bổ sung các tuyến bảo đảm điều kiện để xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, liên thông giữa các loại hình vận tải đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa; kết nối hệ thống đường cao tốc, quốc lộ, đường tỉnh với các khu kinh tế, khu công nghiệp.
Trên cơ sở đó, hoàn thiện đồng bộ, hiện đại quy hoạch với tầm nhìn đến năm 2035, 2050; trong đó, giai đoạn 2020 - 2025 sẽ đầu tư nâng cấp trọng tâm vào hệ thống đường tỉnh. Để khai thác tối đa lợi thế, tiềm năng trong giao thương, Hải Dương tiếp tục đầu tư nâng cấp mạng lưới đường tỉnh cũng như các dự án kết nối vùng tỉnh.
Hạ tầng giao thông ngày càng đồng bộ, hiện đại, kết nối liên vùng sẽ giúp mở rộng không gian phát triển, tạo ra những cơ hội mới về thu hút đầu tư. Việc đầu tư xây dựng hoàn thiện và triển khai đầu tư một số trục giao thông mới của tỉnh như trục Bắc - Nam, trục Đông - Tây của tỉnh, trục Bắc - Nam qua địa bàn huyện Thanh Miện là điều kiện thuận lợi để mở rộng không gian phát triển, khai thác tiềm năng quỹ đất dọc các trục đường mới cho phát triển kinh tế, xã hội và mạng lưới đô thị trong toàn tỉnh; là cơ hội đẩy mạnh phát triển công nghiệp - đô thị dọc các trục phát triển.
Hải Dương sẽ huy động đa dạng nguồn lực để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; huy động nguồn lực nhân dân đóng góp cùng với hỗ trợ từ ngân sách tỉnh để xây dựng gần 2.500 km đường giao thông nông thôn đạt tiêu chuẩn với kinh phí khoảng 4.500 tỷ đồng. Ngoài nguồn vốn ngân sách tỉnh bố trí cho các dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống đường tỉnh, với các dự án xây dựng mới, dự án kết nối vùng, tỉnh sẽ đề xuất sử dụng nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, nguồn vốn hợp tác xây dựng với các tỉnh bạn kết nối.
Đối với các dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống đường tỉnh; dự án giao thông xây dựng các tuyến mới; dự án giao thông trọng điểm, kết nối giao thông tỉnh Hải Dương với các địa phương giáp ranh, sẽ huy động nguồn vốn từ ngân sách tỉnh. Nguồn ngân sách huyện sẽ được huy động đối với các đoạn qua khu vực nội thị các thị trấn, thành phố, thị xã và các đoạn tuyến mới của địa phương.
Sở Giao thông - Vận tải tỉnh Hải Dương cũng đã chủ động xây dựng, tham mưu Chương trình Đầu tư, nâng cấp mạng lưới đường tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng giai đoạn 2026 - 2030. Trong nhiệm kỳ này, Sở đề xuất thực hiện đầu tư xây dựng 59,5 km đường tỉnh mới; cải tạo và nâng cấp 148 km các tuyến đường tỉnh hiện có; xây dựng 36,7 km đường gom các quốc lộ. Tổng vốn đầu tư giai đoạn này lên đến hơn 9.200 tỷ đồng.
Tiếp theo, trong giai đoạn 2026 - 2030, với tổng vốn đầu tư hơn 10.100 tỷ đồng, tỉnh sẽ thực hiện xây dựng gần 72 km đường tỉnh, cải tạo và nâng cấp 147,6 km các tuyến đường tỉnh hiện có và xây dựng 74,6 km đường gom quốc lộ.
Đặc biệt, Hải Dương sẽ tiếp tục nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn đầu tư công thông qua xây dựng, thực hiện tốt kế hoạch đầu tư công hằng năm, trung hạn, dài hạn theo quy định; bảo đảm cho nguồn lực quan trọng này nhanh chóng đi vào vận hành, phát huy hiệu quả. Tỉnh cũng sẽ ưu tiên đầu tư các công trình có tính cấp bách, trọng tâm, trọng điểm, các công trình kết cấu hạ tầng bảo đảm tính đồng bộ, tính kết nối, mà trước hết là các công trình hạ tầng giao thông kết nối liên vùng, liên tỉnh, hạ tầng các khu, cụm công nghiệp nhằm phát huy hiệu quả đầu tư, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.
Giai đoạn 2020 - 2025, tỉnh Hải Dương xác định một trong 3 đột phá chiến lược là: huy động đa dạng các nguồn lực phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình giao thông trọng điểm, đô thị thông minh và nông thôn mới kiểu mẫu nhằm kết nối hài hòa với các tuyến quốc lộ, đường tỉnh.