Chào mừng bạn đến với website www.sanbdscongnghiep.vn

  • Hotline

    0913.040.789
  • Email

    congtytoplandhp@gmail.com
Số lượng và phân bổ các Khu công nghiệp ở miền Bắc sẽ như thế nào trong 10 năm tới

Số lượng và phân bổ các Khu công nghiệp ở miền Bắc sẽ như thế nào trong 10 năm tới

  • Ngày đăng : 20/9/2021
  • /
  • 793 lượt xem

Trong 10 năm tới, Việt Nam dự kiến quy hoạch tăng thêm 115.000ha đất dành cho khu công nghiệp, với khoảng 558 khu công nghiệp trên cả nước, gấp gần 1,5 lần so với số lượng hiện nay.

Tính đến cuối năm 2020, cả nước có 381 khu công nghiệp, khu chế xuất (gọi chung là KCN) được thành lập với tổng diện tích quy hoạch 114.000ha, trong đó, diện tích đã được giao đất và đưa vào sử dụng 90.800ha, chiếm 2,31% diện tích đất phi nông nghiệp, tăng 18.800ha so với năm 2010. Đến năm 2030, Việt Nam sẽ có khoảng 558 khu công nghiệp, khu chế xuất.

Trong những năm qua, các khu công nghiệp, khu chế xuất đã thu hút được 9.381 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) và 9.331 dự án đầu tư trong nước (DDI). Tổng doanh thu đạt khoảng 235 tỷ USD, tăng hơn 8% so với năm 2018; kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 142 tỷ USD, đóng góp gần 59% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, tăng khoảng 11% so với năm 2018; nộp ngân sách nhà nước gần 130.000 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2018; tạo việc làm cho gần 3,85 triệu lao động trực tiếp.

Theo dự thảo Báo cáo Quy hoạch sử dụng đất Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, tại miền Bắc nước ta, đất khu công nghiệp được chia thành 2 vùng như sau:

  • Vùng Trung du và miền núi phía Bắc đã thành lập 30 KCN với diện tích 7.000ha, trong đó, diện tích đã được giao đất và đưa vào sử dụng là 5.200ha, tăng 2.720ha so với năm 2010.
  • Vùng Đồng bằng sông Hồng đã thành lập 94 KCN với diện tích 26.000ha, trong đó, diện tích đã được giao đất và đưa vào sử dụng là 19.950ha, tăng 4.920ha so với năm 2010.

Tuy thời gian qua các vùng phía Bắc có bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhưng tỷ lệ lấp đầy ở các KCN cũng được cho là vẫn ổn định, duy trì ở mức 75%.

Đặc biệt, ở khu vực Đồng bằng sông Hồng, các tỉnh ở vùng Đông Bắc như Bắc Giang, Quảng Ninh, Thái Nguyên đang thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư với lợi thế về giá thuê, và hạ tầng KCN ngày càng được hoàn thiện. Giá đất công nghiệp ở các khu vực này được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức 8-10% so với cùng kỳ năm trước.

Theo giới chuyên gia, việc kết nối hạ tầng cảng biển, cao tốc và sân bay sẽ là lợi thế lớn cho các KCN trong thời gian tới nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu của các nhà sản xuất lớn.

Với các KCN ở miền Bắc thì đó là hệ thống đường cao tốc kết nối các thành phố lớn, có cụm cảng Hải Phòng (chiếm khoảng 23% tổng lưu lượng container cảng của Việt Nam) và Cảng hàng không quốc tế tại Hà Nội và Hải Phòng.

Trong những năm tới, Việt Nam đặt kế hoạch đẩy mạnh phát triển một số ngành công nghiệp nền tảng, các ngành công nghiệp mũi nhọn, và chú trọng sản xuất công nghiệp quy mô lớn tại các khu kinh tế ven biển.

Mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam nâng tỷ trọng công nghiệp trong GDP đạt trên 40%; giá trị gia tăng công nghiệp chế biến, chế tạo bình quân đầu người đạt trên 2.000 USD. Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt trên 25%; giải quyết việc làm cho 5 - 6 triệu lao động trực tiếp vào năm 2025 và 7 - 8 triệu lao động vào năm 2030. Do đó, trong 10 năm tới quy hoạch diện tích đất khu công nghiệp tại các vùng miền Bắc được phân bổ như sau:

  • Vùng Trung du và miền núi phía Bắc 15.170ha gồm 58 KCN, tăng 9.970ha so với năm 2020.
  • Vùng Đồng bằng sông Hồng 52.210ha gồm 142 KCN, tăng 32.260ha so với năm 2020.

Việc quy hoạch, bố trí diện tích quỹ đất các KCN của cả nước như trên là tính tới lâu dài, tránh tốn kém kinh phí trong bồi thường, giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư.

Sau khi được Quốc hội quyết định, trong quá trình thực hiện Chính phủ sẽ chủ động điều tiết, phân bổ chỉ tiêu cho các địa phương với các điều kiện và tiêu chí, ưu tiên cho phép các địa phương mở rộng các KCN khi đã thực hiện tỷ lệ lấp đầy đạt trên 60%.

Sưu tầm

 

  • congtytoplandhp@gmail.com
  • 0913.040.789
0913.040.789